Tạp chí “Công nghệ chế tác vàng” của Hội đồng vàng thế giới (World Gold Council – WGC) đã đưa ra một số phương pháp (kĩ thuật) đo tuổi vàng (xác định hàm lượng vàng) được áp dụng ở nhiều nước. Tuỳ thuộc vào sự đòi hỏi của mức độ chính xác, thời gian tiến hành, giá thành của thiết bị, kĩ năng của người sử dụng và một số yêu cầu khác mà ta lựa chọn phương pháp phân tích phù hợp. Bảng 1 dưới đây so sánh ưu, nhược điểm của các phương pháp xác định tuổi vàng của đồ trang sức đã được áp dụng trên thế giới.
Phương pháp nung chảy (Fire Assay) có độ chính xác cao (cỡ 0,02%). Để tiến hành xác định hàm lượng vàng, người ta thường lấy vài trăm mini gam mẫu cuộn trong lá chì mỏng có cho thêm một chút bạc rồi cho vào lò nung ở nhiệt độ cao (khoảng 1100 độ C) để loại bỏ các kim loại khác ra khỏi mẫu vàng và thu được hợp kim chỉ còn vàng và bạc. Tiếp theo, dùng dung dịch axit nitric để tách bạc ra khỏi hợp kim này và ta thu được vàng nguyên chất. Cân chính xác lượng vàng thu được và so với lượng mẫu ban đầu, ta tính được hàm lượng vàng có trong mẫu phân tích. Đây là kĩ thuật được sử dụng để giám định chất lượng vàng theo tiêu quốc tế, ISO11426:1993.
Phương pháp quang phổ plasma cặp cảm ứng – ICP cũng có độ chính xác cao (0,1%). Để thực hiện phương pháp này, người ta lấy vài chục mini gam mẫu hoà tan trong axit và sau đó phân tích bằng máy phổ kế ICP. Tuy nhiên, để đạt độ chính xác cao, người ta phải sử dụng các mẫu chuẩn với hàm lượng vàng biết trước để chuẩn máy. Ưu điểm của kĩ thuật này là ngoài hàm lượng vàng, ta còn biết được hàm lượng của các nguyên tố khác có trong mẫu. Tuy nhiên, giá của thiết bị rất cao và cũng tương tự phương pháp nung chảy ta phải lấy một lượng mẫu nhất định từ mẫu cần đo, thời gian thực hiện lâu và người thực hiện cần phải có kĩ năng khá tốt. Do đó, cả hai phương pháp này chủ yếu được áp dụng cho mục đích xác nhận tiêu chuẩn.
Phương pháp phân tích huỳnh quang tia X (XRF) là phương pháp phân tích không phá huỷ mẫu (non-destructive), thời gian thực hiện nhanh (chỉ khoảng vài chục giây đến một vài phút) rất phù hợp với yêu cầu kiểm tra thông thường như kiểm soát chất lượng sản phẩm tại các xưởng sản xuất hay xác định hàm lượng vàng tại các cơ sở, đại lý bán lẻ đồ trang sức. Bằng phương pháp chiếu quét tia X lên bề mặt vật thể, sự phản xạ ngược lại của kim loại được truyền vào máy tính xử lý mật độ, tần số sóng phản xạ theo chương trình lập sẵn để báo kết quả hàm lượng vàng, bạc, đồng là bao nhiêu, người sử dụng còn biết được hàm lượng của các nguyên tố khác ngoài vàng như: bạc, niken, đồng, kẽm, paradi, rodi hay platin,… Phương pháp phân tích này có độ chính xác tương đối cao (đạt từ 0,1 đến 0,5%) tuỳ thuộc vào thiết bị và mẫu phân tích. Tuy nhiên, nó cũng có hạn chế là chỉ đo kiểm tra được lớp mỏng trên bề mặt của sản phẩm.
Phương pháp mài đá là phương pháp được áp dụng từ cổ xưa. Để xác định hàm lượng vàng, người ta mài nhẹ đồ trang sức trên mặt viên đá đặc biệt, sau đó nhỏ dung dịch axit lên vết mài đó; quan sát màu vàng còn lại của vết mài này và so sánh với vết mài của mẫu chuẩn để suy ra hàm lượng vàng của mẫu cần đo. Phương pháp này có độ chính xác thấp và phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của người làm.
Phương pháp dùng bút điện tử (Electronic Gold Tester hay Gold Pen) dựa trên nguyên lý thay đổi điện dung khi tuổi vàng thay đổi. Tuy nhiên, độ chính xác rất thấp và thường chỉ được ứng dụng để phân loại đồ trang sức theo thang cara (1 cara tương đương cỡ 4%).
Phương pháp đo tỉ trọng dựa trên nguyên lí Archimede. Phương pháp này cũng có độ chính xác không cao và chỉ được áp dụng để đo tuổi vàng của các mẫu khối đặc và thường chỉ có hai thành phần (2 nguyên tố). Người ta đem cân khối lượng của vật thử (cân khô), sau đó cân vật thử trong nước tinh khiết, hai số liệu cân này được nhập vào máy vi tính xử lý theo phương trình lập sẵn sẽ cho kết quả là hàm lượng vàng (% ?) có trong vật thử.
Tóm lại, khi cần đòi hỏi cao về độ chính xác như xác nhận tiêu chuẩn thì sử dụng phương pháp phân tích nung chảy hay ICP. Trong khi đó, phương pháp phân tích huỳnh quang tia X có độ chính xác tốt, thời gian phân tích nhanh, không đòi hỏi phải phá huỷ mẫu cũng như kĩ năng chuyên sâu của người sử dụng có kết quả phân tích được đưa ra trên màn hình máy tính hoặc in ra giấy rất phù hợp cho mục đích kiểm soát chất lượng trong qui trình sản xuất, chế tác và kiểm tra chất lượng vàng tại các doanh nghiệp bán lẻ vàng và đồ trang sức.