Rhodium Và Công nghệ mạ Rhodium trong kim hoàn

Rhodium Là Gì?

Rhodium (kí hiệu hóa học: Rh) là một kim loại chuyển tiếp có màu trắng bạc, độ cứng cao. Chúng khá hiếm và nằm trong nhóm những kim loại quý đắt tiền nhất, nhưng giá cả giao động mạnh, tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường.

Trong tự nhiên, rhodium không tồn tại ở dạng nguyên chất, chúng được tìm thấy ở trong quặng của platinum với tỉ lệ nhỏ đến rất nhỏ. Bởi vậy giá thành của Rhodium rất cao (có giai đoạn cao hơn cả vàng). Nam Phi là nơi sản xuất Rhodium lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 80% sản lượng toàn cầu.

Rhodium là một trong những kim loại rất quý
rhodium-kim-loai-quy-gia-va-dat-tien-nhat-the-gioi

Rhodium được William Hyde Wollaston tìm ra vào năm 1803 sau khi thực hiện nhiều phản ứng hóa học để loại bỏ các tạp chất, và thu được vật chất còn lại là clorua rhodi (III) có màu đỏ. Cũng vì thế mà nó có tên Rhodon, trong tiếng Hy Lạp nghĩa là “hoa hồng”. Rhodium kim loại thu được thông qua việc khử bằng khí hidro.

Tính Chất

Rhodium có màu trắng bạc, cứng và bền, có hệ số phản xạ cao nên khả năng phản chiếu ánh sáng rất tốt. Rhodium không bị oxy hóa, cũng không bị phần lớn axit ăn mòn. Chúng hoàn toàn không hòa tan trong axit nitric và chỉ hòa tan một lượng rất ít trong nước cường toan. Nếu ở dạng bột, rhodium sẽ hòa tan hoàn toàn trong axit sulfuric.

Công Nghệ Mạ Rhodium Trong Lĩnh Vực Kim Hoàn

Mạ kim loại thực chất là quá trình điện hóa phủ lớp kim loại lên một vật. Trong quá trình mạ, vật cần mạ được gắn với cực âm catôt, kim loại mạ (cụ thể ở đây là Rhodium) gắn với cực dương anôt của nguồn điện trong dung dịch điện môi. Cực dương của nguồn điện sẽ hút các electron e- trong quá trình ôxi hóa và giải phóng các ion kim loại dương, dưới tác dụng lực tĩnh điện các ion dương này sẽ di chuyển về cực âm, tại đây chúng nhận lại e- trong quá trình ôxi hóa khử hình thành lớp kim loại bám trên bề mặt của vật được mạ. Độ dày của lớp mạ tỉ lệ thuận với cường độ dòng điện của nguồn và thời gian mạ.

Người ta lựa chọn phương pháp mạ Rhodium vì nó là kim loại có độ cứng và phản chiếu ánh sáng cao, nên bất kỳ vật nào được mạ một lớp mỏng Rhodium lên bề mặt cũng đều trở nên sáng bóng và bền hơn.

Từ những năm 30 của thế kỷ trước người ta đã sử dụng phương pháp mạ kim loại với Rhodium trong lĩnh vực kim hoàn để tạo ra những món trang sức với bề mặt sáng bóng và đẹp mắt. Về sau, công nghệ mạ được áp dụng cho vàng trắng và các loại bạc quý để tăng độ bền, khó bị xỉn màu cho trang sức.

Sự khác biệt của trang sức sau khi được mạ một lớp mỏng Rhodium

Hiện nay công nghệ mạ Rhodium vẫn được ứng dụng rộng rãi trong việc chế tác đồ trang sức, đặc biệt là vàng trắng hoặc trang sức bằng bạc. Các sản phẩm nhẫn cưới và nhẫn đính hôn thường được mạ Rhodium nhiều nhất.

Rhodium Đối Với Sức Khỏe Người Sử Dụng

Thực tế thì không ít người dùng bị dị ứng với ni-ken có trong đồ trang sức mạ kim loại, khiến cho những loại trang sức này phần nào bị hạn chế đối tượng mua. Nhưng với đồ trang sức mạ Rhodium thì chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm vì chúng không chứa niken, nên không gây hại gì đối với cơ thể. Vì vậy chẳng có lý do gì để bạn phải từ chối một món trang sức được mạ Rhodium cả đúng không?

Bảo Quản Trang Sức Mạ Rhodium

Mặc dù Rhodium là kim loại rất khó bị oxy hóa, bền bỉ với thời gian, nhưng lớp mạ mỏng bên ngoài trang sức cũng dễ bị tổn thương nếu chúng ta không chú ý bảo quản nó đúng cách. Sau đây là một vài phương pháp giúp bạn có thể hiểu giữ được vẻ đẹp cho trang sức mạ Rhodium tốt hơn:

– Dùng nước pha loãng dầu gội đầu và làm sạch bề mặt trang sức mạ Rhodium định kì sau một thời gian đeo (có thể là một tuần một lần).

– Tuyệt đối không dùng hóa chất tẩy rửa mạnh để làm sạch bề mặt trang sức mạ Rhodium.

– Không nên sử dụng các loại vải đánh bóng dùng cho trang sức vàng, bạc để lau trang sức mạ Rhodium.

– Tránh để đồ trang sức mạ Rhodium tiếp xúc với nước hoa, phấn, hoặc kem dùng cho trang điểm. Nếu trang sức mạ Rhodium bị dính phấn trang điểm thì cần rửa sạch ngay bằng nước và cất trong hộp vải mềm.

– Tránh để trang sức mạ Rhodium va chạm, tiếp xúc với bề mặt cứng thường xuyên.

– Nếu lau khô bề mặt trang sức mạ Rhodium, nên dùng vải mềm, sợi nhỏ, không dùng vải thô cứng.