Kỷ niệm Ngày Đo lường Thế giới 20-5

Ngày 20/5/1875 thoả thuận cấp quốc tế đầu tiên về đo lường đã ra đời đó là Công ước Mét với 17 nước tham gia ký kết tại Paris – Cộng hoà Pháp. Đây cũng là bước đầu tiên tiến tới hệ đơn vị đo lường đồng bộ trên toàn thế giới và nay là hệ đơn vị đo lường quốc tế SI. Với ý nghĩa đó và ghi nhớ lại mốc lịch sử quan trọng đầu tiên này, toàn thế giới đã lấy ngày 20/5 hằng năm là Ngày Đo lường thế giới.

Ngày Đo lường Thế giới là để kỷ niệm hàng năm việc ký kết Công ước Mét. Công ước Mét đã thiết lập cơ sở cho sự phối hợp toàn cầu về khoa học đo lường, cho việc ứng dụng nó trong công nghiệp, thương mại và xã hội. Mục đích ban đầu, nguyên thủy của Công ước Mét là thống nhất đo lường trên phạm vi thế giới vẫn còn nguyên tầm quan trọng và mang tính thời sự như đã từng có từ năm 1875.

Ngày Đo lường Thế giới năm nay với ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì đúng vào ngày này, 20/5/2019, Hệ đơn vị quốc tế mới (SI mới) sẽ có hiệu lực. Hệ SI ra đời từ tháng 10/1960, đến nay đã có nhiều lần thay đổi theo đà phát triển của khoa học và công nghệ; nhưng lần thay đổi này là sự kiện chưa từng có. Đó là, SI mới dựa trên một tập hợp các định nghĩa, mỗi định nghĩa đều gắn với các định luật vật lý nên có ưu điểm là có thể đón nhận được những cải tiến của công nghệ và khoa học trong tương lai và đáp ứng được các nhu cầu mới của người sử dụng trong nhiều năm tới.

Thông điệp của Giám đốc Viện Cân đo Quốc tế (BIPM) và Giám đốc Văn phòng Đo lường Pháp định Quốc tế (BIML) nhân ngày đo lường thế giới 20/05/2019 viết: “Những thay đổi trong hệ đo lường sẽ không dễ nhận thấy, trừ những người sử dụng có đòi hỏi khắt khe nhất, nhưng chúng có ý nghĩa lớn để có thể có những thay đổi về cách thức mà liên kết chuẩn đo lường cuối cùng được thiết lập”. Về cơ bản thì người tiêu dùng sẽ không cảm thấy bất cứ sự khác biệt nào về các quả cân, thước độ dài và những thước đo khác mà họ sử dụng. Chính vì thế, BIPM (Viện cân đo quốc tế) và BIML (Văn phòng đo lường pháp định quốc tế) đã chọn chủ đề cho Ngày Đo lường thế giới năm nay là: “SI tốt hơn hẳn”.

Từ xưa, khái niệm kilogram được định nghĩa bằng một khối hợp kim platinum-iridium hình trụ, gọi là Le Grand K và được bảo vệ trong một căn hầm ở ngoại ô Paris. Tuy nhiên, cứ mỗi lần các nhà khoa học xử lý thì khối trụ này lại bị mất đi các nguyên tử và ước tính đã mất đi tổng cộng 50 micro gram. Do đó, bắt đầu từ 20/5/2019, các nhà khoa học quyết định chính thức định nghĩa 1 kg bằng hằng số Planck. Trên thực tế, không phải muốn đổi thì đổi. Các nhà khoa học đã mất rất nhiều năm để nghiên cứu nhằm chuẩn bị chuyển đổi một cách hợp lý nhất, bên cạnh viêc định nghĩa 1kg thì 1 ampere, kelvin và mole cũng sẽ được định nghĩa bằng phương pháp mới. Các nhà khoa học cho biết tất cả thay đổi đều sẽ dễ dàng cập nhật do không phụ thuộc quá nhiều vào những khái niệm xưa cũ. Chi tiết hơn, 1kg được định nghĩa mới sẽ là tổng khối lượng của một số lượng photon cụ thể của một bước sóng cụ thể. Với sự thay đổi này, kg sẽ được xác định theo 2 đại lượng là giây và mét, vốn đều là những hằng số vật lý và do đó, sẽ đáng tin cậy hơn so với một vật thể nhân tạo như khối trụ hợp kim.

Theo Terry Quinn – Giám đốc danh dự của Cục Đo lường và Trọng lượng Quốc tế BIPM, cho biết: “Đây là quyết định quan trọng nhất mà BIPM đã đưa ra trong vòng 100 năm qua. Nghe có vẻ hơi cường điệu nhưng có lẽ là sự kiện quan trọng nhất, ít ra là từ 1960, khi người ta chấp nhận hệ thống đo lường quốc tế”.